Tạo đà để ngành cơ khí Việt Nam bứt phá
Để ngành cơ khí Việt Nam phát triển ngang tầm khu vực và thế giới, nhiều chuyên gia cho rằng cần có sự nỗ lực của Nhà nước, Chính phủ, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các nhà khoa học.
Ngành cơ khí Việt Nam có những bước tiến lớn
Sáng 24.9, tại Hà Nội, Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương đã tổ chức “Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cùng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo nhiều bộ, ngành trung ương, đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cơ khí trong và ngoài nước.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, đây là diễn đàn có ý nghĩa quan trọng để thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển ngành cơ khí; đánh giá, nhận diện những tồn tại, hạn chế của ngành cơ khí Việt Nam và các nguyên nhân của các hạn chế đó. Trên cơ sở đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam trong thời gian tới. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thời gian qua, ngành cơ khí trong nước đã có bước phát triển rất quan trọng. Số lượng doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động, có kết quả kinh doanh khoảng 25 nghìn doanh nghiệp, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo; tạo việc làm cho gần 1 triệu lao động, chiếm gần 16% tổng số lao động trong các doanh ngành chế biến, chế tạo.
Trong nước đã có hệ thống các nhà máy cơ khí với đủ các quy mô lớn nhỏ. Có một số doanh nghiệp có tiềm năng phát triển ngang tầm khu vực...Hiện nay, cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy, cơ khí gia dụng và dụng cụ, ôtô và phụ tùng ôtô. Số liệu thống kê cho thấy, 3 phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước.
Giải pháp thúc đẩy ngành cơ khí Việt Nam phát triển
Tuy nhiên, ngành cơ khí nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, như: Sản phẩm cơ khí Việt Nam rất ít thương hiệu trong nước. Các doanh nghiệp cơ khí nội địa chủ yếu là quy mô nhỏ, có năng lực cạnh tranh thấp, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh ở lĩnh vực cơ khí. Chất lượng sản phẩm chưa tốt, giá thành sản phẩm cao, tính cạnh tranh của sản phẩm kém. Trình độ cơ khí chế tạo đặc biệt là cơ khí chính xác (là trụ cột của sản xuất công nghiệp) còn lạc hậu so với nhiều nước. Đó là lý do "Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam" được tổ chức, nhằm tìm kiếm các giải pháp để Việt Nam tăng trưởng bền vững trong dài hạn, nâng cao chất lượng nền kinh tế, tạo ra giá trị gia tăng, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa quốc gia", Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Nói về giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, ngành cơ khí Việt Nam phải phát triển với các sản phẩm có chất lượng, chi phí sản xuất thấp, sức cạnh tranh cao để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Để thực hiện mục tiêu này, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của tất cả các doanh nghiệp, hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học. “Đặc biệt, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn của Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc hoàn thiện cơ chế. Cần có những chính sách ưu đãi hơn, khuyến khích hơn đối với ngành cơ khí, nhằm tạo môi trường thuận lợi để huy động nguồn lực phát triển ngành cơ khí Việt Nam trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định.
Chi tiết tại: https://laodong.vn/thi-truong/tao-da-de-nganh-co-khi-viet-nam-but-pha-756358.ldo