THÔNG TIN TUYỂN SINH 2025 - CHUYÊN NGÀNH THIẾT KẾ VÀ CHẾ TẠO SỐ
Trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0, số hóa sản xuất đã trở thành xu hướng tất yếu và được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực kinh tế. Các quy trình thiết kế, mô phỏng, chế tạo trên nền tảng số giúp rút ngắn thời gian phát triển sản phẩm, tối ưu chi phí và đưa sản phẩm ra thị trường nhanh chóng.
Nắm bắt xu thế đó, chuyên ngành Thiết kế và Chế tạo Số ra đời với mục tiêu đào tạo kỹ sư cơ khí thế hệ mới, biết vận dụng công nghệ số để sáng tạo và sản xuất thông minh. Đây là chương trình tiên phong duy nhất ở Việt Nam hiện nay về lĩnh vực sản xuất số, được Trường Đại học Nha Trang phát triển để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của nền công nghiệp hiện đại.
Chương trình đào tạo hiện đại, thực tiễn
Chương trình chuyên ngành được thiết kế với hai trụ cột chính: thiết kế số và chế tạo số, tập trung tỷ trọng lớn vào các học phần công nghệ số hiện đại. Sinh viên sẽ được học cách sử dụng các phần mềm thiết kế và mô phỏng tiên tiến như AutoCAD, Creo, SolidWorks, Moldex-3D, rèn luyện kỹ năng phân tích và tối ưu thiết kế trên máy tính (CAD/CAE). Bên cạnh đó, chương trình đào tạo chú trọng thực hành vận hành máy móc tự động hóa: máy phay, tiện CNC, cắt dây EDM, robot công nghiệp, máy in 3D,... nhằm chế tạo và gia công sản phẩm một cách chính xác và hiệu quả. Đặc biệt, sinh viên còn được trang bị kiến thức về quản lý sản xuất và vận hành nhà máy thông minh, giúp các bạn hiểu rõ cách tổ chức, giám sát quy trình sản xuất trong môi trường công nghiệp số hóa.
Mục tiêu đào tạo:
- Có tri thức cơ bản về khoa học tự nhiên, xã hội và nhân văn; bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, đạo đức, thẩm mỹ, sức khỏe; các kỹ năng ngoại ngữ, công nghệ thông tin và các kỹ năng mềm; từ đó vận dụng vào cuộc sống, học tập và công việc sau này;
- Có kiến thức nền tảng và chuyên sâu về nghề nghiệp để thiết kế và chế tạo máy và thiết bị theo công nghệ số;
- Có kỹ năng mềm và kỹ năng chuyên môn để thiết kế và chế tạo máy và thiết bị theo công nghệ số;
- Có khả năng nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực cơ khí;
- Có tinh thần lập nghiệp, khả năng tự học, sáng tạo và thích ứng với môi trường hoạt động nghề nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật cơ khí.
Điểm nổi bật của chuyên ngành:
- Sinh viên được học tập trong môi trường thực hành hiện đại với hệ thống cơ sở vật chất đầy đủ: xưởng cơ khí, phòng thực hành CNC, phòng đo lường kỹ thuật, phòng bảo trì, phòng vẽ kỹ thuật... Tất cả được trang bị thiết bị máy móc tiên tiến đáp ứng nhu cầu học tập thực tế.
- Sinh viên được trang bị kỹ năng giao tiếp kỹ thuật, biết áp dụng lý thuyết và công nghệ số vào giải quyết bài toán thiết kế và chế tạo sản phẩm cơ khí theo xu hướng sản xuất thông minh trong bối cảnh công nghiệp 4.0.
- Khác biệt với các chánh ngành trực thuộc Cơ khí truyền thống, chuyên ngành Thiết kế và Chế tạo Số có hệ thống môn học về công nghệ số chiếm tỷ trọng cao, tạo thành một chuỗi kiến thức chặt chẽ từ thiết kế đến chế tạo, bao gồm: CAD (thiết kế trên máy tính), CAE (phân tích, tính toán kỹ thuật trên máy tính), CAM (lập trình gia công số), các thiết bị chế tạo tự động như CNC, robot, hệ thống sản xuất linh hoạt, sản xuất tích hợp; in 3D; IoT trong sản xuất.
- Khoa Cơ khí hợp tác với Công ty TNHH Grand M.VN tổ chức tuyển chọn và đào tạo sinh viên đi làm việc tại Nhật Bản. Chương trình hoàn toàn miễn phí về đào tạo và chi phí xuất khẩu lao động, mở ra cơ hội nghề nghiệp quốc tế cho sinh viên.
- Sinh viên được khuyến khích tham gia câu lạc bộ chuyên ngành và được hỗ trợ đào tạo lấy chứng chỉ quốc tế về sử dụng phần mềm Moldex-3D trong thiết kế sản xuất khuôn mẫu công nghiệp.

Hình 1. Ví dụ về một quy trình thiết kế và chế tạo số đơn giản

Hình 2. Sinh viên thực hành in 3D

Hình 3. Ứng dụng kỹ thuật ngược trong thiết kế
Cơ hội việc làm sau tốt nghiệp
Sinh viên sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế và Chế tạo Số có nhiều cơ hội nghề nghiệp ở các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt trong các ngành sản xuất công nghiệp có áp dụng công nghệ số. Sau đây là một số vị trí công việc cụ thể:
- Nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới.
- Cái tiến công nghệ, thiết bị, dụng cụ để nâng cao chất lượng và giảm chi phí sản xuất.
- Thiết kế máy móc, thiết bị phục vụ cho quy trình chế tạo.
- Xây dựng quy trình công nghệ sản xuất, bố trí mặt bằng nhà máy, phân xưởng, dây chuyền.
- Quản lý, điều phối, giám sát sản xuất tại nhà máy.
- Theo dõi và bảo đảm sản xuất đúng tiến độ và kế hoạch.
- Phân tích chi phí, giá trị và đề xuất các biện pháp tối ưu quy trình sản xuất.
- Đánh giá hiệu quả của các kế hoạch và đề xuất các cêi tiến nhằm nâng cao hiệu suất làm việc.
- Nhận diện và khắc phục các vấn đề trong quy trình chế tạo sản phẩm.
- Phân tích tính khả thi và hiệu quả của việc đầu tư thiết bị, máy móc sản xuất mới.
- Bảo trì, vận hành thiết bị cơ khí trong nhà máy.
- Bán hàng, tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật sau bán hàng (đặc biệt với các thiết bị công nghiệp, linh kiện, dụng cụ cơ khí).
Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại nhiều ngành sản xuất công nghiệp, đặc biệt là những ngành đang chuyển dịch sang sản xuất thông minh, tự động hóa. Các lĩnh vực phổ biến bao gồm:
- Sản xuất ô tô và linh kiện ô tô.
- Sản xuất linh kiện điện thoại di động, thiết bị điện tử, viễn thông.
- Sản xuất thép, kết cấu cơ khí cho xây dựng.
- Chế tạo thiết bị cho ngành đóng tàu, dầu khí, công trình biển.
- Sản xuất đồ gỗ nội thất, thiết bị gia dụng.
- Thiết kế và chế tạo khuôn mẫu cho đúc, ép nhựa, ép kim.
- Sản xuất thiết bị, dụng cụ thể thao, y tế.
- Ngành dệt may, giày dép, gia dụng - ứng dụng công nghệ để tối ưu thiết kế và sản xuất.
- Kinh doanh thiết bị, vật tư công nghiệp và các dịch vụ kỹ thuật có liên quan đến cơ khí và tự động.