GIỚI THIỆU NGÀNH CÔNG NGHỆ CHẾ TẠO MÁY
Bài viết giới thiệu thông tin chi tiết về chuyên ngành Công nghệ Chế tạo máy tại trường Đại học Nha Trang
Mã ngành: 7510202 Chỉ tiêu: 60
Tổ hợp xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT: A00, A01, C01, D07
Điểm xét thuyển theo kết quả học tập ở THPT: TO; VL; HH; SH
Ngoài ra còn 2 phương thức khác là tuyển thẳng và điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Tp HCM và ĐH QG Hà Nội.
KIẾN THỨC VÀ KỸ NĂNG NGHỀ NGHIỆP
Thiết kế máy, thiết bị và dụng cụ phục vụ sản xuất cơ khí. Người học sẽ được trang bị các kiến thức và rèn luyện các kỹ năng về thiết kế và phát triển sản phẩm cơ khí nói chung và chuyên sâu vào các trang thiết bị phục vụ sản xuất cơ khí; thành thạo các phần mềm thiết kế như: AutoCAD, SOLIDWORKS, INVENTOR, WORKING MODEL để xây dựng các bản vẽ về máy và chi tiết máy, tính động học, động lực học cơ cấu, tính toán bền và mô phỏng các chuyển động của máy
Hình 1. Thiết kế máy và thiết bị trên các phần mềm chuyên dụng
Chế tạo máy, thiết bị và dụng cụ phục vụ sản xuất cơ khí. Các kiến thức chuyên ngành được cung cấp để người học có thể xây dựng các qui trình công nghệ gia công và các phương án để chế tạo ra các máy và trang thiết bị nói chung và có sự tập trung sâu vào lĩnh vực sản xuất cơ khí; người học có thể sử dụng thành thạo các phần mềm như CREO PARAMETRIC, CATIA để lập trình và mô phỏng quá trình gia công. Người học sẽ được thực hành trên các trung tâm gia công CNC, máy EDM, được trải nghiệm tại các cơ sở sản xuất để củng cố kiến thức và kỹ năng trong chế tạo máy.
Hình 2. Vận hành máy và thiết bị chế tạo cơ khí
Quản lý, điều hành, giám sát thi công và tổ chức sản xuất cơ khí. Trên nền tảng kiến thức và kỹ năng về thiết kế, chế tạo máy và được bổ sung thêm các kiến thức về hệ thống cơ điện tử, điều khiển tự động, hệ thống sản xuất và đảm bảo chất lượng sẽ giúp cho người học tự tin quản lý, điều hành và tổ chức sản xuất đối với các dây chuyền thiết bị trong các lĩnh vực khác nhau.
Hình 3. Quản lý các dây chuyền sản xuất
VỊ TRÍ VIỆC LÀM
1. Nhân viên thiết kế, chế tạo, lắp ráp máy, trang thiết bị cơ khí; quản lý, vận hành và bảo trì các dây chuyền sản xuất;
2. Nhân viên tư vấn kỹ thuật, kinh doanh và chuyển giao công nghệ các sản phẩm cơ khí;
3. Chuyên viên tư vấn quản lý kỹ thuật – công nghệ cơ khí trong các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực công nghiệp, giám sát các dự án cơ khí;
4. Cán bộ nghiên cứu giảng dạy thực hành hoặc lý thuyết tại các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trung tâm dạy nghề về lĩnh vực cơ khí.