Chế tạo máy là ngành kỹ thuật đòi hỏi người học phải có trình độ và kinh nghiệm cần thiết để hiểu và áp dụng các quy trình kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất các sản phẩm công nghiệp; khả năng lập kế hoạch chế tạo; nghiên cứu và phát triển các công cụ, quy trình, máy móc và thiết bị và tích hợp các thiết bị và hệ thống để tạo các sản phẩm chất lượng với mức chi phí tối ưu.
Ở nước ta, để học chế tạo máy, thí sinh phải đăng ký ngành Công nghệ chế tạo máy thuộc nhóm ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí. Trong thời gian tới, thí sinh cũng có thể đăng ký học ngành Kỹ thuật chế tạo thuộc nhóm ngành Kỹ thuật cơ khí khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo thí điểm ngành này ở một số trường đại học kỹ thuật.
Sinh viên tốt nghiệp ngành chế tạo máy có thể làm một số công việc sau:
1. Lập quy trình sản xuất, bao gồm quy trình công nghệ chế tạo sản phẩm, bố trí nhà máy, phân xưởng và thiết bị.
2. Lựa chọn, thiết kế và phát triển máy công cụ và thiết bị dùng cho chế tạo sản phẩm.
3. Phân tích giá trị và kiểm soát chi phí liên quan đến phương pháp và quy trình sản xuất.
4. Nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới hoặc các sản phẩm khác mà công ty có khả năng sản xuất dựa trên cơ sở vật chất hiện có hoặc đầu tư thêm.
5. Đánh giá các kế hoạch sản xuất và thông số kỹ thuật của sản phẩm cũng như những thay đổi khác để mang lại hiệu quả sản xuất cao hơn.
6. Nghiên cứu và phát triển các phương pháp, kỹ thuật, công cụ và thiết bị sản xuất mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất.
7. Điều phối và kiểm soát sản xuất trong nhà máy và giữa các nhà máy.
8. Duy trì kiểm soát sản xuất để đảm bảo tuân thủ lịch trình sản xuất.
9. Nhận biết các vấn đề hiện tại và tiềm ẩn và thực hiện hành động khắc phục để loại bỏ chúng.
10. Nghiên cứu, đánh giá tính khả thi của việc mua máy móc, công cụ và thiết bị mới.
11. Bảo trì máy móc và thiết bị cơ khí.
12. Bán hàng và dịch vụ sau bán hàng (vật tư, thiết bị công nghiệp).
Với các công việc trên, sinh viên tốt nghiệp ngành Chế tạo máy có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau như:
- Sản xuất ô tô;
- Sản xuất linh kiện điện thoại di động, thiết bị viễn thông;
- Sản xuất thép, kết cấu xây dựng;
- Đóng tàu;
- Dầu khí;
- Sản xuất đồ gỗ;
- Sản xuất khuôn mẫu ngành nhựa;
- Sản xuất dụng cụ thể thao;
- Sản xuất hàng gia dụng, dệt may, giày dép, …
- Thực phẩm (các nhà máy chế biến thực phẩm, nhà máy đường, nhà máy chế biến thủy sản,...);
- Kinh doanh vật tư, thiết bị công nghiệp.
Một số hình ảnh