Chế tạo máy được hiểu nôm na là chế tạo ra sản phẩm cơ khí thông qua việc sử dụng nhân công, máy móc và dụng cụ. Sản phẩm sau khi hoàn thành sẽ được doanh nghiệp sẽ bán cho khách hàng. Yếu tố đầu vào cho công việc chế tạo có thể là nguyên liệu thô hoặc các chi tiết máy, bộ phận máy thành phẩm để chế tạo thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Tùy theo quy mô của doanh nghiệp mà công việc chế tạo được diễn ra ở dạng đơn chiếc, hàng loạt hoặc hàng khối (sản lượng rất lớn). Tương ứng với quy mô sản xuất, việc chế tạo sản phẩm có thể được thực hiện bằng các máy móc đơn giản hoặc trên dây chuyền với quy mô lớn gồm máy móc và lao động có tay nghề cao.
Như vậy, chế tạo máy không chỉ là chế tạo ra những máy móc phức tạp mà có thể là những sản phẩm đơn giản phục vụ đời sống hàng ngày như dụng cụ nhà bếp, dụng cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, dụng cụ thể thao... và cũng có thể là những máy móc phức tạp như máy cắt kim loại, động cơ máy nổ, ô tô, máy bay,... Các sản phẩm cơ khí phức tạp thường được chế tạo bởi một đội ngũ kỹ sư, công nhân.
Kỹ thuật chế tạo hiện đại bao gồm một số quá trình trung gian để biến nguyên liệu thành sản phẩm cuối cùng. Kỹ thuật chế tạo có mối quan hệ gần gũi với công việc thiết kế kỹ thuật.
Chương trình đào tạo ngành Công nghệ Chế tạo máy, Trường Đại học Nha Trang bao gồm hai trụ cột chuyên môn là thiết kế và chế tạo máy. Trụ cột chuyên môn về thiết kế chú trọng vào việc cung cấp cho người học kiến thức và kỹ năng về thiết kế công cụ dùng cho chế tạo cơ khí như đồ gá, khuôn mẫu. Trong khi đó trụ cột chuyên môn về chế tạo máy chú trọng vào việc cung cấp cho người học kiến thức và kỹ năng sử dụng các máy móc, thiết bị dùng trong quá trình chế tạo sản phẩm cơ khí như các máy công cụ truyền thống, máy công cụ điều khiển số (CNC), máy in 3D,...
Sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ Chế tạo máy, Trường Đại học Nha Trang hiện đang công tác trên mọi miền của đất nước. Các lĩnh vực chủ yếu mà sinh viên ngành Công nghệ Chế tạo máy của Trường đang công tác là:
- Sản xuất linh kiện điện thoại di động (ví dụ như làm tại các nhà máy của Samsung Việt Nam và các công ty sản xuất hàng phụ trợ cho Samsung).
- Sản xuất ô tô (như Vinfast, Thaco,...).
- Sản xuất thép, kết cấu xây dựng (như Hòa Phát, Đại Dũng,...).
- Đóng tàu (như Huyndai Vinashin, Nhà máy đóng tàu Dung Quất, ...).
- Dầu khí (như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, PTSC,...)
- Sản xuất khuôn mẫu ngành nhựa (chủ yếu là các công ty khuôn mẫu ở Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai).
- Dụng cụ thể thao (như Sodex Toseco,...)
- Bảo trì (trong các nhà máy chế biến thực phẩm, nhà máy đường, nhà máy chế biến thủy sản,...).
- Kinh doanh vật tư, thiết bị công nghiệp.
Tác giả: PGS.TS Nguyễn Văn Tường
Một số hình ảnh