Chương trình giúp cho người học nâng cao kiến thức chuyên môn và năng lực hoạt động nghề nghiệp với các mục tiêu sau:
1. Có kỹ năng ngoại ngữ, công nghệ thông tin; có năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ để tạo ra tri thức mới, sản phẩm mới, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế.
2. Có kiến thức chung về quản trị và quản lý, có kiến thức liên ngành cơ khí để tổ chức, điều hành và sản xuất.
3. Có kiến thức chuyên sâu và tiên tiến về nghề nghiệp để thiết kế, chế tạo và bảo trì máy, thiết bị công nghiệp hoặc các hệ thống nhiệt lạnh.
4. Có năng lực ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để phát hiện và giải quyết những vấn đề phức tạp về thiết kế, chế tạo và bảo trì thiết bị cơ khí hoặc các hệ thống nhiệt lạnh phục vụ các lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực thủy sản.
Chương trình được thiết kế trong 2 năm với 60 tín chỉ. Chuẩn đầu ra của chương trình là:
1. Có cơ sở lý luận triết học áp dụng cho công việc nghiên cứu thuộc lĩnh vực đào tạo; vận dụng các kiến thức nền tảng để phát triển nghề nghiệp; có khả năng quản trị và lãnh đạo, có trách nhiệm trong công việc và đạo đức nghề nghiệp.
2. Thiết kế, chế tạo thiết bị cơ khí hoặc các hệ thống nhiệt lạnh.
3. Bảo trì thiết bị cơ khí hoặc các hệ thống nhiệt lạnh.
4. Ứng dụng các kiến thức thực tế và lý thuyết sâu, rộng và tiên tiến để phát hiện và giải quyết các vấn đề phức tạp thuộc lĩnh vực cơ khí.
5. Tổ chức, quản lý, điều hành và lập dự án chuyên môn trong ngành kỹ thuật cơ khí nói chung và các chuyên ngành kỹ thuật chế tạo, kỹ thuật nhiệt lạnh nói riêng.
6. Phân tích, tổng hợp, đánh giá dữ liệu và thông tin để đưa ra các giải pháp xử lý các vấn đề về kỹ thuật cơ khí một cách khoa học.
7. Vận dụng kỹ năng tư duy sáng tạo, tư duy phản biện, khả năng nghiên cứu, khả năng phát hiện và giải quyết vấn đề để làm việc hiệu quả trong lĩnh vực cơ khí; đạt năng lực ngoại ngữ bậc 4/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam; có kỹ năng truyền đạt tri thức trong lĩnh vực cơ khí.
Sau khi tốt nghiệp, học viên có thể làm:
1. Cán bộ kỹ thuật tại các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ, kinh doanh thiết bị cơ khí, chế biến nông, lâm, thủy sản.
2. Chuyên viên, cán bộ quản lý tại các cơ quan, doanh nghiệp liên quan về cơ khí.
3. Giảng viên, nghiên cứu viên tại các cơ sở đào tạo và viện nghiên cứu về cơ khí và các chuyên ngành liên quan.
Để tham gia chương trình, người học phải tốt nghiệp đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) ngành đúng, phù hợp và ngành gần; có trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương trở lên. Đối với chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu, người học phải tốt nghiệp đại học hạng khá trở lên hoặc có công bố khoa học liên quan đến lĩnh vực sẽ học tập.